Chiến dịch Thượng Lào 08-04-1953 thắm tình hữu nghị Lào Việt
65 năm trước, lần đầu tiên bộ đội Việt Nam cùng với bộ đội Pathet Lào mở chiến dịch tiến công tiêu diệt một bộ phận quân viễn chinh Pháp tại Thượng Lào.
Chiến dịch Thượng Lào. 65 năm trước, lần đầu tiên bộ đội Việt Nam cùng với bộ đội Pathet Lào mở chiến dịch tiến công tiêu diệt một bộ phận quân viễn chinh Pháp tại Thượng Lào.
Chiến dịch đã giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, tạo nên biểu tượng cao đẹp về đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước.
Tạo thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước
Vào đầu năm 1953, trong phân tích hướng tiến công chiến lược nhằm phát huy thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc Thu đông 1952, sau khi cân nhắc giữa Lai Châu và Thượng Lào, Tổng Quân ủy đi đến nhận định:
“Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta,… vừa mở được căn cứ cho bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa 2 nước Lào – Việt.”(1)
Qua đó, đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho phối hợp cùng quân giải phóng Lào mở chiến dịch Thượng Lào nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến của bạn; buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó.
Lực lượng quân Pháp
Nơi đây, thực dân Pháp đã chọn thị xã Sầm Nưa làm khu vực phòng thủ chủ yếu, với 3 tiểu đoàn đóng trú, nhằm biến thành “tập đoàn cứ điểm mạnh”; đồng thời địch cũng tăng cường cho khu vực Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, mỗi nơi một tiểu đoàn. Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ kháng chiến và Mặt trận Lào Ítxala nhiệt liệt tán thành chủ trương trên, bởi “mục đích của chiến dịch hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng Lào,… mong muốn sau chiến dịch, Sầm Nưa sẽ là thủ đô kháng chiến của Lào và Thượng Lào sẽ là căn cứ địa của kháng chiến và cách mạng Lào”(2).
Quyết định mở chiến dịch Thượng Lào
Ngày 03- 02- 1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Lực lượng tham gia là các đơn vị thuộc Đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam và bộ đội Pathet Lào. “Đây là lần đầu tiên Liên quân cách mạng Lào – Việt, bao gồm những binh đoàn chủ lực của ta (Việt Nam) và những tiểu đoàn đang trưởng thành của bạn (Lào) phối hợp với nhau theo một kế hoạch tác chiến quy mô, chứ không còn là những đơn vị du kích nhỏ bé phân tán”(3).
Bộ chỉ huy chiến dịch
Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của chiến dịch đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của 2 dân tộc Việt – Lào, lại là lần đầu tiên bộ đội chủ lực sang tác chiến trên đất bạn, nên Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng chiến dịch cùng nhiều cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về phía bạn Lào, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông – Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và đồng chí Cayxỏn Phômvihản – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng tham gia chỉ đạo chiến dịch.
Các hướng tấn công
Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tiến công địch trên 3 hướng Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và Nậm U.
Hướng chủ yếu
Trên hướng chủ yếu – hướng Sầm Nưa, phía Việt Nam có các Đại đoàn bộ binh 308, 312 (2 trung đoàn), 316 (1 trung đoàn) và Đoàn 80 quân tình nguyện Việt Nam. Phía Lào có khoảng 500 bộ đội địa phương, trong đó có một đại đội tập trung của tỉnh Sầm Nưa và lực lượng dân quân du kích các huyện Xiềng Khọ, Mường Xon.
Hướng thứ yếu
Trên hướng thứ yếu – hướng Xiêng Khoảng, chúng ta có Đại đoàn bộ binh 304 và Đoàn 81 quân tình nguyện Việt Nam. Phía Lào có khoảng 400 bộ đội địa phương và 1.400 dân quân du kích Mường Mộc và Bản Thín.
Hướng phối hợp
Ở hướng phối hợp – khu vực sông Nậm U thuộc tỉnh Luông Pha Băng, có Trung đoàn bộ binh 148 (Khu Tây Bắc) và Đoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam. Phía Lào có 1 đại đội tập trung, 5 trung đội bộ đội địa phương và 300 du kích huyện Mường Ngòi.
Hành quân vào chiến dịch
Trên 3 hướng đã định, ngày 08-4-1953, các đơn vị chủ lực Việt Nam tiến quân sang Lào. Đồng chí Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông – Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào cùng hành quân với các đơn vị trên hướng chủ yếu. Từ Nghệ An, Đại đoàn 304 theo Đường 7 lên Xiêng Khoảng chặn đường rút lui của địch từ Sầm Nưa xuống; Trung đoàn 148 từ Điện Biên Phủ tiến xuống phía Bắc Sầm Nưa, uy hiếp địch ở Luông Pra-bang.
Đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên của quân chủ lực Việt Nam sang Thượng Lào
Trước sự tiến quân của ta, Xa-lăng – Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương nhận thấy không thể “lấy trứng chọi đá”, nên ngay trong đêm 12-3-1953 ra lệnh cho 3 tiểu đoàn đồn trú ở Sầm Nưa rút về phía Nam.
Truy kích địch đến cùng
Trưa 13-4-1953, nhận được tin địch rút khỏi Sầm Nưa, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm “truy kích địch đến cùng, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút lui”; chỉ thị cho các đơn vị, các bộ phận tập trung lực lượng, vượt qua mọi khó khăn nhằm “tiêu diệt cho kỳ được sinh lực địch để đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên của quân chủ lực Việt Nam sang Thượng Lào”(4), không cho địch chạy thoát về Cánh đồng Chum.
Nhằm động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, trong thư gửi các lực lượng tham gia chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Địch đã bỏ chạy Sầm Nưa. Sầm Nưa đã giải phóng. Nhưng muốn giúp đỡ nhân dân nước bạn củng cố căn cứ địa đó, thì chúng ta phải tiêu diệt cho kỳ được sinh lực của địch,… Tiêu diệt được bọn địch rút lui này, chúng ta sẽ thắng một trận vận động, và thắng lợi đó sẽ vang dội khắp chiến trường Việt – Lào và sẽ củng cố được vùng Sầm Nưa giải phóng thành một căn cứ địa kháng chiến của nước bạn (Lào) liền với vùng tự do của ta (Việt Nam). Lúc này, chúng ta càng phải nhớ lời Bác dặn, phải có quyết tâm thật cao, thật bền, thật vững, để làm tròn nhiệm vụ”(5) .
Quân địch bị chặn đánh
10 giờ ngày 13-4-1953, khi bộ phận cuối cùng của địch rút khỏi Sầm Nưa, các đơn vị đi đầu của ta còn cách Sầm Nưa từ 5 đến 10km, nhưng với tinh thần “vượt lên thực nhanh, bám sát và chia cắt địch, chặn đường rút lui của chúng, tiêu diệt cho giòn, cho gọn”(6), các Đại đoàn 308, 312, 316 tổ chức 4 tiểu đoàn (888, 23, 79, 166) và 2 đại đội trang bị gọn nhẹ bám đuổi, truy kích, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, buộc số còn lại rút chạy về Cánh đồng Chum.
Trên hướng thứ yếu, Liên quân Lào-Việt tiến công diệt địch ở Noọng Hét, Bản Ban, buộc chúng phải rút chạy về phía Khang Khay. Tiếp đó, một bộ phận lực lượng Đại đoàn 304 đánh địch ở gần Bản Sao, buộc chúng rút về Cánh đồng Chum. Tỉnh Sầm Nưa và vùng lân cận được hoàn toàn giải phóng.
Ở hướng Nam đường số 7, hai tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 312 phối hợp với một đơn vị Lào truy kích địch về Sầm Tớ. Ngày 18-4-1953, các đơn vị thuộc Đoàn 81 và bộ đội địa phương Mường Mộc, du kích Xảm Chè phối hợp với Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) truy kích tiến áp sát thị xã Xiêng Khoảng, khiến địch hoảng sợ rút chạy về co cụm ở Cánh đồng Chum.
Quân địch đóng ở Mường Ngạ, Mường Ngạn cũng lần lượt rút chạy về Tha Thơm, Tha Viêng. Trong khi đó, một đơn vị bạn do đồng chí Thao Tu chỉ huy tiến về phía đường số 7, kiểm soát đoạn đường dài từ biên giới Việt-Lào đến Xiêng Khoảng.
Thành quả của một tuần truy kích
Sau hơn một tuần truy kích trên chặng đường dài 270km từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum, các đơn vị chiến đấu của ta và bạn tiêu diệt, bắt và làm tan rã hơn 1.500 tên địch, giải phóng vùng đất đai rộng lớn, diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm, tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến Lào phát triển(7).
Đóng góp của nhân dân các bộ tộc Lào
Phối hợp với Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân dân các bộ tộc Lào thuộc các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng,… huy động hàng nghìn dân công, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, nhân dân còn làm công tác dẫn đường, giữ bí mật, tiếp tế và cùng bộ đội lùng bắt tàn binh địch.
Mở rộng tấn công và kết thúc chiến dịch
Tiếp tục tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng cho nước bạn, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đẩy mạnh tấn công vào khu vực sông Nậm U. Sau khi tiêu diệt địch ở các vị trí Mường Ngòi (ngày 21-4), Pắc Sàng (ngày 26-4), Mường Khoa (ngày 18-5), Bộ chỉ huy quyết định kết thúc chiến dịch, phân tán một bộ phận lực lượng, kết hợp cùng với bộ đội Lào truy quét tàn binh, xây dựng cơ sở, còn đại bộ phận rút quân về nước.
Dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt – Lào
Sau nhiều ngày truy kích liên tục, các đơn vị tham gia chiến dịch đã:
- loại khỏi vòng chiến đấu 2.800 tên, chiếm 1/5 tổng số lực lượng địch ở Lào, trong đó, diệt 500 tên, bắt 1.800 tên, làm tan rã 500 tên (bao gồm hầu hết bộ máy ngụy quyền ở Sầm Nưa);
- đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội hướng sông Nậm U và hàng trăm tên địch ở Mặt trận Đường số 7, Xiêng Khoảng;
- tiêu diệt 5 vị trí: Mường Ngòi, Nậm Bạc, Mường Kho, Pắc Sàng, Noọng Hét.
- bức rút 25 vị trí: Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Mường Sôi, Khang Khay, Mường Ngát, Mường Mô, Bản Sẻ, Mường Sung…;
- giải phóng trên 35.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Luông Pra-bang với 1/5 diện tích Bắc Lào và hơn 40.000 dân(8), trong đó có lưu vực sông Nậm U là vùng có tầm chiến lược quan trọng, vùng giàu có nhất ở Tây Bắc nước Lào.
Ý nghĩa của chiến dịch Thượng Lào
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã tạo nên một cục diện mới cho cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Lào. Chiến thắng này tạo cho cách mạng Lào một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam.
Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận thống nhất Lào từ đây có một hậu cứ vững chắc trong nước để hoạt động. Quân đội giải phóng Lào có một hậu phương lớn để đứng chân, xây dựng và phát triển lực lượng. Hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào đã nối thông với vùng tự do của nước Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước Việt Nam – Lào, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai bên phát triển thuận lợi.
Sự gắn bó thân thiết giữa hai nước anh em Lào Việt
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, của Mặt trận và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào, chiến thắng Thượng Lào là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng Lào, giữa nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào.
Với chiến dịch Thượng Lào, sự phối hợp chiến đấu về mặt quân sự giữa quân đội 2 nước đã phát triển lên tầm cao mới, làm tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân 2 nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và thắng lợi to lớn hơn, đưa sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của 2 nước vững bước tiến lên giành thắng lợi mới, to lớn hơn.
Nhận định của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông
Ngày 19-5-1953, trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nhận định:
“Sầm Nưa giải phóng là một thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến Lào… là kết quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai nước Việt – Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”(9).
Khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sự đoàn kết đó là cơ sở, tiền đề để quân và dân 2 nước tiến lên giành thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, hoàn thành nhiệm vụ giành lại độc lập tự do cho 2 dân tộc.
Nhìn lại thắng lợi của chiến dịch, trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản Quân đội ấn hành năm 1999, thêm một lần nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định:
“Chiến dịch Thượng Lào đã hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra lúc đầu. Mùa xuân năm 1953 mở ra triển vọng lớn cho hai dân tộc Việt – Lào trong chiến tranh, với thế phối hợp chiến lược mới giữa cách mạng hai nước. Đó là dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt – Lào. Cũng chưa bao giờ bạn và ta giành được chiến thắng lớn với số thương vong ít như chiến dịch này,… .
Bộ đội ta trên đường chiến thắng trở về, vẫn tràn đầy sinh lực như khi bắt đầu vào trận. Mỗi người đều giữ lại những tình cảm, những hình ảnh tốt đẹp về các bạn chiến đấu, nhân dân và đất nước Lào. Những bản làng nho nhỏ với những ngôi nhà sàn thanh bình, người dân vô cùng thuần phác, những buổi lễ buộc chỉ cổ tay, điệu múa Lămvông, bài ca Chăm pa…” (10)./.
Chú thích
(1), (9) Bộ Tổng tham mưu, Ban Tổng kết – Biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954, Bộ Tổng tham mưu xuất bản năm 1991, tr. 643, 678
(2), (8) Đảng Nhân dân cách mạng Lào – Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 – 2007, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.249, 259
(3) Trận đánh ba mươi năm, t. 1, Nxb. Quân đội Nhân dân, H. 1995, tr. 559
(4) Tố Thành – Hữu Hợp, Chiến dịch Thượng Lào, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Số 1, 1983, tr.10
(5) Tập thư của Bác, của đồng chí Tổng Tư lệnh gửi bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch Thượng Lào năm 1953, Lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
(6), (10) Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 854
(7) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), t. 5, Phát triển thế tiến công chiến lược, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 670 – 671, 673
Tổng hợp từ nhiều nguồn