Hiệp đồng tác chiến trong Chiến dịch Mường Sủi.
Thắng lợi của Chiến dịch Mường Sủi giữa năm 1969 đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch, trong đó điểm nổi bật là hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và Quân Giải phóng nhân dân Lào.
Thực hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương hai nước, đầu tháng 6-1969, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ chỉ huy Quân Giải phóng nhân dân Lào quyết định sử dụng một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam hiệp đồng tác chiến với Quân Giải phóng nhân dân Lào mở Chiến dịch Mường Sủi nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, góp phần thay đổi thế và lực có lợi cho cách mạng Lào, mở rộng vùng giải phóng, nối liền với Sầm Nưa-Xiêng Khoảng và giúp lực lượng vũ trang Lào trưởng thành.
Mường Sủi nằm trên một khu vực có vị trí chiến lược quan trọng ở Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào), địch xây dựng thành một cụm cứ điểm kiên cố. Đóng quân ở Mường Sủi có 7 tiểu đoàn Vàng Pao, 6 tiểu đoàn quân phái hữu Lào, 3 cụm pháo binh và 3 đại đội xe tăng. Ngoài ra còn có một bộ phận quân hỗn hợp Thái Lan và cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, được không quân Mỹ chi viện khi tác chiến.
Lực lượng tham gia hiệp đồng tác chiến trong chiến dịch này, về phía Việt Nam có Sư đoàn Bộ binh 316 (thiếu 1 trung đoàn) và các tiểu đoàn Quân tình nguyện thuộc Trung đoàn 766 và 866, 3 tiểu đoàn đặc công, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, 1 tiểu đoàn vận tải, 2 đại đội xe tăng. Phía Quân Giải phóng nhân dân Lào có 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm, 1 đại đội súng máy phòng không 14,5mm, 1 đại đội cối và 1 trung đội xe tăng. Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ chỉ huy Quân Giải phóng nhân dân Lào phối hợp chỉ đạo, Bộ tư lệnh Quân khu Tây Bắc trực tiếp chỉ huy.
Ngày 4-6-1969, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch họp, xác định hướng Đông (hướng chính diện) là hướng tiến công chủ yếu; hướng Bắc và Nam-Tây Nam là hai hướng thứ yếu và vu hồi; Căng Xẻng là hướng nghi binh; tiến công ra ngã ba Salaphukhun (chốt giữ, làm chủ Đường 7 và 13) là hướng phối hợp; đồng thời quyết định sử dụng, bố trí lực lượng hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị của ta và bạn trên mỗi hướng. Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra 3 đợt.
Sau các trận đánh nhỏ nghi binh và tạo thế, đêm 23, rạng ngày 24-6-1969, trên các hướng, các đơn vị liên quân Việt-Lào đồng loạt nổ súng tiến công địch. Đây là trận mở đầu hiệp đồng tác chiến giữa ta và bạn, cũng là trận có ý nghĩa như trận then chốt mở đầu, tạo thành sức mạnh áp đảo tiến công địch trong đợt 1.
Trên hướng chủ yếu, đặc công ta đánh trúng và làm chủ Noọng Tăng, diệt và bắt 34 tên địch. Ở hướng thứ yếu (hướng Bắc), một tiểu đoàn Quân tình nguyện đánh chiếm sở chỉ huy địch ở Phu Xô, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên (có 4 sĩ quan cấp tá thuộc cơ quan chỉ huy hành quân 333). Trong khi đó, ở Nậm Xoong, bộ binh và xe tăng ta phối hợp chiến đấu, diệt hai pháo 155mm và một số quân địch, sau đó liên quân Việt-Lào phát triển tiến công. Bị đánh bất ngờ, toàn bộ quân địch ở Phu Xoong, điểm cao 1313 và một số khu vực khác rối loạn, hoang mang rút chạy về Nậm Xoong, Bản Khay. Đêm 24-6, ta và bạn chủ động kết thúc đợt 1 chiến dịch.
Mở đầu đợt 2, ngày 25-6, trên hướng chủ yếu, Trung đoàn Bộ binh 1 Quân tình nguyện Việt Nam cùng Tiểu đoàn Bộ binh 13 của bạn Lào được xe tăng, pháo binh chi viện tiến công Nậm Xoong, diệt và bắt hàng trăm tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị; đồng thời tổ chức vây ép chặt quân địch, đến 20 giờ ngày 27-6 buộc chúng phải rút chạy khỏi Bản Khay. Trên hướng phối hợp (đường 7), đêm 24 rạng 25-6, ta và bạn đánh chiếm điểm cao gần ngã ba Salaphukhun, chốt giữ và làm chủ khu vực này. Tiếp đó, ngày 26-6, Liên quân Việt-Lào liên tục tổ chức phục kích diệt địch trên đường 7, đến ngày 27-6-1969, kết thúc đợt 2 chiến dịch.
Sang đợt 3, ngày 28-6, ta và bạn phát triển tiến công, truy quét tàn quân địch, làm chủ toàn bộ khu vực Mường Sủi, đồng thời tiếp tục phát triển chiến đấu về hướng Phu Viêng đến ngã ba Salaphukhun, tạo thế uy hiếp địch ở Sảm Thông-Loong Chẹng và kết thúc thắng lợi chiến dịch vào ngày 1-7-1969. Kết quả, ta và bạn loại khỏi vòng chiến đấu gần 900 tên địch (bắt sống 297 tên), phá hủy 3 pháo 155mm, 10 pháo 105mm, bắn rơi 4 máy bay; thu 3 xe tăng, 25 xe vận tải cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện quân sự; giải phóng hoàn toàn Mường Sủi, khôi phục lại khu vực Phu Khe-Xiêng Khoảng-Căng Xẻng, nối liền vùng giải phóng hai tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng với 4 tỉnh Bắc Lào.
Chiến dịch Mường Sủi thể hiện sự hiệp đồng tác chiến lớn của liên quân Việt-Lào đạt kết quả tương đối tốt, đặc biệt trong hai đợt 1 và 2 chiến dịch, giữa ta và Lào đã phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, tạo sức mạnh áp đảo tiêu diệt địch, góp phần kết thúc từng trận đánh và các đợt chiến dịch nhanh gọn…
Đặc biệt, điểm nổi bật trong cách đánh chiến dịch này là nghệ thuật hiệp đồng tác chiến, đột phá từ ngoài vào, có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng tinh nhuệ, đánh đồng loạt vào sở chỉ huy đầu não và các mục tiêu trọng yếu bên trong tung thâm, làm cho địch ngay từ đầu đã bị tê liệt mọi hoạt động, rối loạn chỉ huy và không kịp đối phó, tạo thế hỗ trợ cho chiến dịch phát triển nhanh chóng và giành thắng lợi quyết định.