Joseph Grigulevich – Từ điệp viên nằm vùng đến viện sĩ thông tấn.
Con người nổi tiếng này xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư. Cuộc đời ông nhiều thập kỷ gắn liền với các cơ quan bí mật – Quốc tế Cộng sản, tổ chức quốc tế hỗ trợ các nhà cách mạng, Cục đối ngoại Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô. Ông có 30 bí danh. Đáng chú ý nhất là giai đoạn hoạt động của ông trên cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của một trong những nước Mỹ La tinh tại Vatican.
Thông thạo nhiều ngoại ngữ, đảng viên Cộng sản và con cưng số phận
Joseph Grigulevich đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, vô cùng phong phú, như người ta nói, đã đi qua lửa đỏ và nước lạnh. Năm 1988, ông kết thúc sự nghiệp của mình với tư cách là viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông là chuyên gia về Mỹ Latinh đầu tiên được trao tặng danh hiệu cao quý này. Joseph Grigulevich còn nổi tiếng là nhà nghiên cứu về tôn giáo và thờ cúng.
Joseph Grigulevich sinh ngày 5/5/1913 trong một gia đình người dân tộc thiểu số Karaim ở Vilno, nay là thủ đô Vilnius của Litva.
Ông học tiểu học ở Litva, sau đó chuyển đến Ba Lan cùng mẹ. Tại đây, ông bộc lộ năng khiếu xuất sắc ở nhiều môn học, đặc biệt là ngoại ngữ. Thời gian này, ông đã thông thạo tiếng Tây Ban Nha.
Năm mười tuổi, ông bắt đầu đọc các kiệt tác của văn học cổ điển thế giới nhờ một thư viện tuyệt vời ở trường trung học. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Ba Lan khi còn là thiếu niên.
Từ năm 1932-1933, ông bị tù, sau khi ra tù, ông bị trục xuất sang Pháp, tại đây ông tham gia phong trào Cộng sản quốc tế và học tại chức ở Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học xã hội thuộc Đại học Sorbonne.
Ở tuổi thanh niên, Joseph Grigulevich đã đến Argentina, nơi bố ông, chủ một hiệu thuốc lớn, định cư. Trong thời gian này, ông tìm hiểu đất nước, cụ thể là cảng Buenos Aires, một điểm trung chuyển lớn cho đủ loại hàng hóa. Ông biết cả tiếng lóng của dân bản xứ – hiểu được tâm hồn của con người, có thể nói, từ trong ra ngoài.
Sau đó, theo giới thiệu của các bạn lớn tuổi hơn, Joseph Grigulevich đến thăm thành phố Montevideo, Uruguay, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Năm 1934, thông qua Quốc tế Cộng sản, Joseph Grigulevich được cử đến Argentina. Tại đây, ông tham gia công việc của Tổ chức Quốc tế Hỗ trợ các nhà cách mạng (IOPR).
Theo đơn tố cáo của một kẻ chỉ điểm, Joseph Grigulevich và nhóm cộng sự của ông bị cảnh sát bắt giữ. Ngày hôm sau, tất cả mọi người được thả, nhưng ở lại Argentina rất nguy hiểm. Vì vậy, đến đầu tháng 9/1936, ban lãnh đạo của đảng Cộng sản đã cử ông đến Tây Ban Nha, nơi đang diễn ra cuộc nội chiến.
Joseph Grigulevich làm phiên dịch riêng cho đại diện cơ quan tình báo Liên Xô Aleksandr Orlov (hay còn gọi là Lev Nikolsky, Leiba Feldbin, Igor Berg). Năm 1938, Orlov chạy sang Mỹ và xuất bản cuốn sách “Những bí mật về tội ác của Stalin”. Trợ lý của ông bị triệu hồi về Moscow. Lúc bấy giờ, Joseph Grigulevich không hiểu sao lại may mắn thoát nạn. Có giả thuyết cho rằng việc trùng tên với lãnh tụ đã cứu ông.
Từ đó, Joseph Grigulevich bước vào con đường hoạt động tình báo, với vốn kiến thức khổng lồ và vô cùng giá trị. Nhờ đó, ông dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh và ở đâu cũng cảm thấy như ở nhà mình.
Con người nhiều bộ mặt
Mặc dù đóng rất nhiều vai với những bộ mặt khác nhau, nhưng Joseph Grigulevich luôn luôn giữ vững lòng trung thành với lý tưởng cộng sản. Điều này cho phép ông vượt qua những nhiệm vụ nặng nề, đầy nguy hiểm và khôn lường. Dù ở bất cứ đâu, Grigulevich cũng cảm thấy tự tin. Ông không mù quáng thực hiện các chỉ thị của Trung tâm mà còn đưa ra các sáng kiến phản biện. Thông thường, chúng nhận được sự hưởng ứng tích cực.
Trong thời gian làm việc ở các cơ quan tình báo, ông đã gặp rất nhiều rắc rối. Ví dụ như vụ ám sát bất thành nhà cách mạng Lev Trotsky ở Mexico. Chính Joseph Grigulevich là người chuẩn bị cuộc tấn công vào ngôi nhà của Trotsky ở ngoại ô thủ đô Mexico vào đêm 24/5/1940.
Lần thứ hai, Joseph Grigulevich không trực tiếp tham gia vụ ám sát Trotsky, nhưng chính ông là người đã tuyển mộ Ramón Mercader, điệp viên mật của Liên Xô, người thực hiện vụ ám sát. Sau đó, theo sắc lệnh bí mật, Grigulevich được trao tặng Huân chương Sao Đỏ vì tham gia vào chiến dịch “Duck” (Con vịt). Thậm chí ông còn được kết nạp vào đảng Cộng sản Liên bang Nga (Bolshevik) mà không trải qua thời kỳ dự bị.
Trong Thế chiến thứ hai, Joseph Grigulevich được bổ nhiệm làm đại diện cơ quan tình báo Liên Xô ở Nam Mỹ và hoạt động ở nhiều nước Mỹ Latinh. Sau chiến tranh, ông làm việc ở Ý và Nam Tư dưới vỏ bọc nhà ngoại giao của Costa Rica. Ông đã đến thăm thủ đô Belgrade nhiều lần, nơi ông gặp và thiết lập mối quan hệ tin cậy với các quan chức cấp cao của Nam Tư. Thông tin do nhà tình báo thu thập được chuyển tới Moscow qua các kênh bí mật.
Sau đó, Grigulevich được giao nhiệm vụ theo dõi những tên Đức Quốc xã định cư ở Mỹ Latinh. Và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Theo đề xuất của ông, nhiều tên tội phạm Đức Quốc xã đã được phát hiện và đưa ra trước vành móng ngựa.
Joseph Grigulevich cũng từng tham gia kinh doanh – đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hoạt động của ông hết sức đa dạng và thực sự không có giới hạn.
Trong vai ngài đại sứ
Giai đoạn rực rỡ nhất trong cuộc đời hoạt động của Grigulevich là cuối những năm 1940, khi ông giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của một quốc gia nhỏ ở Mỹ Latinh tại Vatican. Nó giống như một câu chuyện trinh thám kéo dài mấy năm liền.
Điệp viên Max – mật danh của Joseph Grigulevich – có hộ chiếu chính thức mang tên Teodoro Castro, sinh ra ở thành phố Arajuela. Ngay từ hồi ở Mexico, Teodoro Castro đã bắt đầu thiết lập quan hệ với các kiều dân Costa Rica định cư ở đây.
Họ coi ông là một người rất uyên bác, trình độ học vấn cao và có tư tưởng dân chủ. Những người này không giấu diếm rằng đang chuẩn bị một cuộc đảo chính quân sự. Họ nhờ ông xây dựng chương trình cho họ.
Grigulevich đã đáp ứng yêu cầu. Sau khi thành lập chính quyền mới, những người Costa Rica lại đề nghị ông đảm nhận một chức vụ trong chính phủ theo nguyện vọng của ông. Nhưng ông từ chối.
Tuy nhiên, Moscow quyết định sử dụng các mối quan hệ của ông với chính phủ mới của Costa Rica. Lúc bấy giờ, Grigulevich được Jose Figueres, Tổng thống tương lai của đất nước, tin tưởng. Chương trình tranh cử với khẩu hiệu “Chống chủ nghĩa đế quốc” mà Grigulevich chấp bút cho Jose Figueres, được hoan nghênh tại đại hội đảng. Và chẳng bao lâu, Teodoro Castro trở thành đại sứ Costa Rica bên cạnh Giáo hoàng Pius XII.
Bộ trưởng Ngoại giao Costa Rica Jorge Merino đã đưa Teodoro Castro vào danh sách phái đoàn tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1951 ở Paris. Tại đây, người đại diện của Liên Xô Andrey Vyshinsky đã không tiếc lời công kích các nước Mỹ Latinh. Ông cáo buộc họ phục tùng chủ nghĩa đế quốc Mỹ và quân đội Mỹ, đồng thời tham gia vào việc kích động Chiến tranh Lạnh.
Jorge Merino giao cho Joseph Grigulevich viết bài đáp trả đại diện của Liên Xô. Bài viết của nhà tình báo Liên Xô đã gây chấn động trong giới ngoại giao và nâng cao uy tín của Costa Rica trên trường quốc tế.
Ở Costa Rica, bài phát biểu này được đánh giá cao. Còn Giáo hoàng La Mã đã mời Grigulevich đến gặp mặt và tiếp chuyện, trao tặng ông Huân chương Thập giá Malta và ra lệnh chuẩn bị các thủ tục để phong ông tước hiệu hiệp sĩ. Các đại sứ Mỹ Latinh đã bầu ông làm người phụ trách ngoại giao đoàn. Đồng thời ông là đại sứ của Costa Rica tại Ý và Nam Tư.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Trung tâm ra lệnh khẩn trương trở về Moscow. Một bức điện được gửi từ Rome, trong đó ngài đại sứ thông báo rằng do vợ ông bị bệnh tim nặng, ông buộc phải khẩn trương đưa vợ sang Thụy Sĩ điều trị. Vài ngày sau, ông cùng vợ và con gái đến Vienna, nơi đặt trụ sở chính quyền quân sự Liên Xô. Từ đó ông bay thẳng về tổ quốc.
Sự biến mất đột ngột của nhà ngoại giao cấp cao đã gây xôn xao dư luận ở Rome và Costa Rica. Người ta yêu cầu các cơ quan cảnh sát Thụy Sĩ can thiệp. Nhưng kẻ đào tẩu không để lại dấu vết gì, giống như bị độn thổ.
Không chỉ là nhà tình báo
Sau khi hoàn thành sứ mệnh ở nước ngoài một cách hoàn hảo, Joseph Grigulevich cùng người vợ Mexico xinh đẹp Laura Araujo và cô con gái nhỏ Nadezhda trở về tổ quốc. Ông được cấp một căn hộ nhỏ hai phòng ở phía bắc thành phố. Sau đó ông chuyển đến những căn hộ rộng rãi trên đại lộ Kutuzov.
Rời khỏi ngành tình báo, Joseph Grigulevich bắt đầu làm việc tại Ủy ban Liên lạc với người nước ngoài. Ông tin rằng sau một thời gian ngắn, cơ quan nghiên cứu về Nam Mỹ sẽ được thành lập tại Viện Hàn lâm Khoa học, và ông sẽ phụ trách tổ chức này. Nhưng cấp trên lại có quyết định khác.
Joseph Grigulevich chuyển sang Viện Dân tộc học mang tên Miklouho-Maclay vừa thành lập. Ông được bổ nhiệm chức Trưởng phòng và Tổng biên tập Tạp chí “Khoa học xã hội và thời đại chúng ta”. Trong một thời gian ngắn, ông bảo vệ luận án phó tiến sĩ, và năm 1965, ông bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học với đề tài “Cách mạng văn hóa ở Cuba”. Sau đó, ông được bầu viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Joseph Grigulevich là tác giả của rất nhiều bài báo về lịch sử và sử liệu học trên báo chí trong và ngoài nước. Năm 1956, công trình lý luận “Về cuộc chiến tranh giải phóng các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Mỹ (1810-1826)” của ông và nhóm tác giả được đăng tải trên tạp chí “Những vấn đề lịch sử” đã gây tiếng vang lớn trong giới chuyên môn.
Song song, trên báo chí khoa học thường thức lần lượt xuất hiện những tác phẩm đồ sộ của ông về các nhân vật kiệt xuất của Châu Mỹ Latinh. Xin nêu một số ví dụ: “Bolivar”, “Pancho Villa”, “Miranda”, “Juarez”. Sau đó, xuất hiện công trình lớn “Ernesto Che Guevara và tiến trình cách mạng ở Mỹ Latinh”.
Trong khoa học, Joseph Grigulevich cũng hoạt động hăng say không kém gì trong lĩnh vực tình báo. Ở Cuba, nhiều lần ông được mở rộng vòng tay chào đón và được gọi một cách trìu mến là “Grigula”.
Ngày 2/7/1988, Joseph Grigulevich qua đời sau một cơn bạo bệnh, thọ 75 tuổi. Chân dung của ông, nhà tình báo huyền thoại kiêm nhà khoa học kiệt xuất hiện được trưng bày một cách trang trọng tại Bảo tàng của Cục Tình báo Đối ngoại ở Yasenevo, phía tây Moscow.
Kim Thanh Hằng
Đọc bài gốc tại đây.