KGB với nhiệm vụ săn lùng tội phạm Phát xít.
Ngay sau chiến thắng của Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm 1945, các cơ quan mật vụ Xôviết lại được giao thêm một nhiệm vụ mới là săn lùng những tên tay sai có nhiều nợ máu của quân phát xít, từng phục vụ trong các đơn vị SS hay trong chính quyền chiếm đóng trước đây.
Những nhân vật trong danh sách này thường dính dáng đến những tội ác sát hại không chỉ các du kích quân, mà còn cả những người dân thường vô tội – từ phụ nữ cho tới trẻ em và cả người già. Sau chiến tranh, rất nhiều tên trong số này đã chạy trốn lẩn khuất khắp châu Âu, quay trở lại cuộc sống bình thường dưới những tên tuổi và giấy tờ của người khác.
Một số kẻ còn tự xưng là cựu binh, khoác lác với mọi người về những công lao của mình trong cuộc chiến chống phát xít. Nhưng với hoạt động hiệu quả của cơ quan tình báo, phần lớn những tên tay sai này sớm hay muộn đều đã bị sa lưới, phải trả giá cho những tội ác trong quá khứ của chúng…
Những tên phản bội trong “cuốn sách xanh”
Giai đoạn chủ yếu săn lùng những kẻ từng hợp tác với địch do các cơ quan an ninh Xôviết tiến hành trên thực tế đã kéo dài tới tận những năm 80 của thế kỷ XX. Việc săn lùng những tên tay sai của phát xít ban đầu được giao cho SMERS (Cơ quan phản gián quân đội Xôviết), từ năm 1946 là của Bộ An ninh quốc gia (MGB) và sau năm 1954 là KGB.
Tên sát nhân Kurt Christmann. |
Giải pháp đầu tiên là việc rà soát kỹ lưỡng danh sách những công dân Liên Xô hồi hương sau chiến tranh, cũng như trong hàng ngũ các cư dân từng nằm trong khu vực chiếm đóng của quân phát xít cũ ở phía tây đất nước, những người có các thông tin mâu thuẫn trong giấy tờ cá nhân hay tiểu sử, cũng như những người có xu hướng kiên quyết không chia sẻ những hồi ức từ thời chiến.
Với sự hỗ trợ của các đơn vị tìm kiếm dữ liệu, cơ quan an ninh vào năm 1952 đã cho in cuốn “Tuyển tập tài liệu tra cứu về các tổ chức tình báo Đức phát xít từng hoạt động chống lại Liên Xô trong giai đoạn Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945”, thường được nhắc tới với cái tên “Sách xanh”, trong đó có chứa những thông tin giá trị nhất về những kẻ phản bội.
Những kẻ tay sai của quân phát xít được chia làm 2 loại – thụ động và chủ động. Loại đầu tiên là những người từng hợp tác với quân phát xít vì hoàn cảnh, không tham gia vào những tội ác thanh trừng: như người làm nghề dọn phòng, tài xế, đầu bếp, phiên dịch, lao công, thợ máy và cảnh sát thông thường…
Những thành phần thuộc loại này ban đầu cũng được giám sát, cũng như không được trọng dụng để có thể thăng tiến. Một số từng làm việc tại những vị trí đặc biệt của địch được tập trung lao động tại những khu cách ly trong vài năm. Sau năm 1955, tất cả những thành phần này đều được chính thức ân xá bằng một sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao ký vào ngày 17/9/1955.
Những kẻ nợ máu
Có một sự trừng phạt hoàn toàn khác đối với những tên tay sai chủ động – những tên đao phủ, cảnh sát từng tham gia trực tiếp vào những hoạt động thanh trừng, sát hại binh sĩ Hồng quân và những người dân vô tội. Ngoài ra, còn cả những kẻ giúp đỡ quân phát xít săn lùng du kích và quân nhân Xôviết. Tất cả những thành phần trên sẽ phải chịu những án tù dài hạn hay thậm chí bị tử hình. Việc săn lùng những thành phần này được mật vụ Xôviết coi là ưu tiên hàng đầu. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, do nhiều tên đao phủ tìm mọi cách che giấu việc tham gia vào những hoạt động thanh trừng, chỉ tự nhận là những kẻ tiếp tay thụ động cho quân phát xít.
Điển hình như câu chuyện của nhóm Sonderkommando SS 10a với thành phần có cả các công dân Liên Xô. Trong những năm 1941-1943, nhóm này dưới sự chỉ huy của tên sĩ quan SS Kurt Christmann đã sát hại hơn bảy ngàn người dân ở tỉnh Krasnodar bằng cách treo cổ hay tống vào những chiếc xe hơi ngạt. Phiên tòa đầu tiên xét xử những kẻ trong đơn vị này (về sau đổi tên thành “đại đội Kavkaz”) được mở ngay từ năm 1943 với 8 bị cáo phải nhận án tử hình cùng 2 kẻ khác nhận án 20 năm tù.
Trong suốt 20 năm sau đó, cơ quan tình báo còn truy lùng được thêm 9 tên từng phục vụ trong đơn vị này. Để có được thành công trên, các nhân viên tình báo đã phải triển khai hàng núi công việc: từ tìm kiếm phỏng vấn hàng trăm nhân chứng về tội ác của đơn vị này, cùng đi với họ tới những hiện trường tội ác, lục tìm trong các kho hồ sơ rồi cuối cùng mới săn lùng, bắt giữ từng tên một.
Trong số những kẻ bị bắt giữ có Valentin Skripkin, kẻ từ trước chiến tranh từng là một cầu thủ bóng đá tài năng. Trên thực tế có nhiều cổ động viên vẫn ủng hộ cho Skripkin, cho tới khi nhìn thấy hình ảnh thần tượng của mình đeo băng tay có dòng chữ Polizei. Sau khi đầu hàng quân phát xít, Skripkin đã tham gia trực tiếp vào rất nhiều chiến dịch thanh trừng, sau đó lục tìm trong tài sản quí giá trong vali của các nạn nhân, gửi về cho vợ tại Taganrog.
Sau chiến tranh, Skripkin đã trốn tránh thành công trong suốt 10 năm, mãi đến năm 1955 mới quyết định lộ mặt sau khi nghe được lệnh ân xá. Hắn quay trở về Taganrog, làm việc trong một xưởng chế biến bánh mì. Mãi tới đầu năm 1960, các nhân viên tình báo mới lần ra được Skripkin. Với những bằng chứng thu thập được, tên ác ôn này đã bị xử bắn.
KGB còn điều tra và bắt giữ được nhiều thành viên khác của Sonderkommando SS 10a, cho dù chúng ẩn náu dưới những vỏ bọc khá hoàn hảo. Như Nikolay Zirukhin là một giáo viên anh hùng lao động, Andrey Sukhov được thừa nhận là một cựu chiến binh, tiếo tục làm việc tại một đơn vị bán quân sự, còn Valerian Surguladze bị bắt giữ ngay tại đám cưới của hắn.
Bá tước đẫm máu
Hạ sĩ Alexander Stroganov đã chạy sang hàng ngũ quân phát xít vào năm 1942, sau khi bị bắt làm tù binh tại mặt trận. Hắn được sung vào một đơn vị của cơ quan phản gián GFP-520 cũng do một tên phản bội mang họ Ivanov điều hành. Tận dụng họ của mình giống như họ của một gia tộc lãnh chúa nổi tiếng ngày xưa. Stroganov tự đặt cho mình danh xưng là “bá tước”.
Hắn cùng với đồng bọn lang thang khắp các làng xóm, giả dạng là du kích, lấy lòng tin của người dân địa phương để xác định những người ủng hộ cho Hồng quân trong số họ. Những người không may mắn này bị bọn chúng tròng dây vào cổ kéo đi khắp các con đường, một số trước khi chết còn bị tra tấn dã man, kể cả thiếu niên.
Nạn nhân của đơn vị này còn có cả đội du kích do đảng viên Pavel Nosov cầm đầu – tất cả đều bị mất liên lạc từ năm 1942 và được coi là mất tích. Điều tra sau này cho thấy, Nosov cùng đồng đội đã phạm phải một sai lầm định mệnh khi nhầm kết nạp Stroganov và đồng bọn vào hàng ngũ của mình. Hậu quả là cả nhóm du kích bị bắt giữ và bắn chết.
Sau chiến tranh, Stroganov ban đầu chạy sang Đức và sau đó tới Áo. Các điệp viên đã tìm kiếm hắn trong vô vọng cho tới năm 1957, khi hắn quay trở về với vợ con ở ngoại ô Moscow, sau khi nghe tin về lệnh ân xá. Hắn chỉ khai mình là một tù binh, bị bắt đưa tới Đức và làm việc trong một nhà máy ở đây.
Stroganov sau một thời gian ngắn đã ly hôn rồi chuyển tới Armavir. Hắn có thể đã lẩn tránh được sự trả giá, nếu như không có một cựu nữ điệp viên sống sót có tên Nina. Nhóm của bà trong thời gian chiến tranh đã bị GFP-520 bắt giữ.
Nina nhớ rất rõ những tội ác của Stroganov và đồng bọn, còn chỉ cho KGB nơi chôn xác của nhóm du kích Nosov. Nhờ các bước điều tra tiếp theo, cơ quan tình báo đã lần ra thêm 5 tay chân của Stroganov, trước khi phát hiện được ra hắn. Stroganov khi được gọi đến thẩm vấn tại chi nhánh KGB ở Leningrad đã khai nhận tất cả. Do sơ sót của các nhân viên mật vụ, Stroganov còn có cơ hội trốn thoát, trước khi bị bắt giữ lần nữa ở ngoại ô thành phố. Hắn cùng hai đồng bọn bị kết án 15 năm tù.
Nữ xạ thủ súng máy
Lịch sử cũng ghi nhận những trường hợp có những phụ nữ chạy sang phía địch trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tuy nhiên về mức độ tàn bạo thì không ai có thể so sánh được với Antonina Makarova có biệt danh là “Tonka – nữ xạ thủ súng máy”. Trong những năm theo chân quân phát xít, Makarova đã trực tiếp bắn chết hơn 1.500 người tại ngôi làng Lokot (tỉnh Briansk), trong đó ngoài du kích còn có cả phụ nữ và trẻ em.
Một số thành viên của “Đội cận vệ trẻ”. |
Ngay từ năm 20 tuổi, Makarova đã xung phong ra mặt trận và bị quân Đức bắt làm tù binh. Ả được quân Đức sai dùng súng máy Maxim để bắn các tù binh, còn được thưởng tiền từ mỗi đợt hành quyết. Sự lạnh lùng của Makarova khiến nhiều người chứng kiến phải rùng mình: nếu ả thấy nạn nhân tương lai của mình mặc chiếc váy đẹp thì sẽ nhắm vào đầu để sau đó lột váy mặc.
Không lâu trước khi Hồng quân giải phóng Lokot, Makarova được quân Đức đưa vào trại tập trung. Sau giải phóng, ả tự nghĩ ra một tiểu sử riêng cho mình với những công trạng của một y tá ngoài mặt trận. KGB đã tìm kiếm tên nữ tội phạm này suốt ¼ thế kỷ, thậm chí có thời gian còn gác lại sau khi có thông tin ả đã bị quân Đức bắn chết vì nhiễm bệnh cho chúng. Chưa kể các nỗ lực săn lùng gặp nhiều khó khăn do không tìm thấy họ hàng của ả, vì Makarova đã thay tên đổi họ sau khi lấy chồng.
Phải đến năm 1971, một chàng trai tên Parfenov nộp hồ sơ xin phép xuất ngoại, trong đó khai có người chị ruột tên Antonina Makarova. Sau khi gọi lên phỏng vấn, Parfenov mới cho biết nơi chị mình đang sinh sống. Thừa nhận tất cả tội ác trong quá khứ, Makarova đã phải ra tòa vào ngày 20/11/1978 và nhận bản án tử hình.
Người sống hãy trả thù
Tổ chức thanh niên bí mật có tên “Đội cận vệ trẻ” với thành phần gần 100 nam nữ thanh niên được thành lập vào năm 1942 tại thành phố Krasnodon khi đó đang bị quân Đức chiếm đóng, với mục đích chiến đấu chống lại quân Đức và giúp đỡ Hồng quân. Chiến công đáng kể đầu tiên của họ vào đầu tháng 12/1942 chính là cứu được gần 2000 đồng bào bị quân Đức tập trung tại một ngôi nhà chuẩn bị chuyển về Đức để làm lao động khổ sai.
Bi kịch của tổ chức này xuất phát từ một cư dân địa phương có tên Vasili Gromov, vốn là một kẻ đưa tin bí mật cho quân phát xít. Gromov là cha dượng của Pochepsov, một thành viên của “Đội cận vệ trẻ”. Hắn không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và moi hết thông tin về các thành viên tổ chức từ Pochepsov.
Hậu quả là hầu hết các thành viên đều bị bắt giữ, tra tấn dã man trước khi khi bị hành hình. Khi chờ đợi ngày ra trường bắn, một thành viên còn viết lên tường dòng chữ: “Những người còn sống, hãy trả thù cho chúng tôi”. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 1943, đã có 57 thành viên nhóm “Đội cận vệ trẻ” bị xử bắn, thi thể của 43 người trong số này bị quẳng xuống khu hầm mỏ sâu tới 58 mét.
Sau khi giải phóng, Gromov đã bị kết án tử hình vì tội ác này. Quá trình điều tra còn xác định cụ thể 70 tên có dính líu tới vụ thanh trừng nhóm “Đội cận vệ trẻ”. Những tên phát xít dính líu tới tội ác trên bị phát hiện trong các trại tù binh đã phải nhận các bản án từ 15-25 năm tù. Còn phải kể tới một tên tội phạm nữa có tên Ivan Melnikov cũng tham gia tra tấn và sát hại nhóm “Đội cận vệ trẻ”.
Sau khi Krasnodon được giải phóng, hắn còn chạy theo quân phát xít, trực tiếp gia nhập quân đội của chúng. Bị Hồng quân bắt giữ làm tù binh tại Moldavia, Melnikov đã đánh lừa được mọi người về sự vô tội của mình. Về sau, hắn còn tham gia phục vụ tại một đơn vị súng máy, chiến đấu bị thương và được tặng thưởng huân chương “Vì lòng dũng cảm”.
Sau chiến tranh, tên cựu đao phủ định cư tại tỉnh Odessa, làm nhân viên một nông trường tại đây. Hắn hết sức ngạc nhiên khi thấy các nhân viên an ninh xuất hiện trước nhà đọc lệnh bắt giữ. Melnikov bị tử hình vào đầu tháng 4/1966 tại Kiev.
Thảm kịch Khatyn
Ngày 22/3/1943 đã đi vào lịch sử Belarus như một dấu mốc của một thảm kịch, khi tiểu đoàn cảnh sát 118 đã thiêu và bắn chết 149 công dân ngôi làng Khatyn, trong đó có 75 trẻ em. Nguyên nhân là do chúng xác định trong ngôi làng đã có các du kích quân trong đội của Vasili Voroniansk ẩn náu trong đêm, trước khi tấn công tiêu diệt một số tên thuộc tiểu đoàn này, trong đó có cả tay chỉ huy Hans Wilcke. Để trả thù, quân phát xít quyết định thiêu tất cả dân làng Khatyn vì tội giúp đỡ cho quân du kích. Trong thành phần của tiểu đoàn này có cả những kẻ đầu hàng theo địch, 13 trong số này bị kết án tử hình vào năm 1961.
Trong số những tội phạm lẩn trốn lâu nhất có thiếu úy Melesko, kẻ bị bắt làm tù binh ngay trong ngày đầu tiên của chiến tranh (ngày 22/6/1941) và sau đó đồng ý hợp tác với quân Đức, được sung vào thành phần tiểu đoàn cảnh sát 118. Hồ sơ tội ác của tên này còn có thêm vụ thảm sát dân thường tại ngôi làng Osovi với 78 nạn nhân.
Sau chiến tranh, hắn đã tìm cách che giấu được những trang đẫm máu nhất trong tiểu sử của mình, nhận bản án 25 năm tù dù chỉ phải ngồi có 6 năm trước khi được ân xá. Melesko quay trở về Rostov và trở thành một chuyên gia nông học nổi tiếng.
Vào những năm 1970, một trong những công dân sống sót tại Khatyn đã tình cờ nhìn thấy ảnh của nhà nông học Melesko trên báo nên tố cáo hắn lên cơ quan an ninh. Tên đao phủ đã bị bắt giữ, xét xử lại vào năm 1974 cùng với bản án tử hình.
Hồng Sơn (tổng hợp)
Đọc bài gốc tại đây.