Tăng tốc về đích 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Thời hạn cho vay là 10-15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường… Đó là một số điều kiện hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Người lao động tìm hiểu nguồn vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội. Ảnh: HẢI NAM |
Trên đây chỉ là một trong số những chính sách mới hỗ trợ người thu nhập thấp. Để cả nước đạt được mục tiêu đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) đến năm 2030, các bộ, ban, ngành liên quan đang thúc đẩy kích hoạt đồng loạt nhiều chính sách, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.
Chính sách phát triển nhà ở xã hội được quan tâm
Thống kê của Bộ Xây dựng cho hay, đến ngày 30/7/2024, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương trong giai đoạn từ 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 561.816 căn, trong đó: 79 dự án hoàn thành với quy mô 40.679 căn; 128 dự án dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 111.688 căn; 412 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 409.449 căn.
Đây là kết quả đáng mừng khi các địa phương trên cả nước thực hiện theo Quyết định 388/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Người dân thu nhập thấp có nhà ở, đồng thời thị trường bất động sản được thúc đẩy tái cơ cấu.
Để đạt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để phát triển loại hình nhà ở này. Một trong những chính sách được Quốc hội quan tâm khi sửa đổi Luật Nhà ở 2023 là ở đó đã bổ sung 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NƠXH được quy định tại Điều 76 của luật. Theo đó, Điều 76 quy định: Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, tại Điều 85 Luật Nhà ở 2023 cũng đưa ra chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án NƠXH. Cụ thể, chủ đầu tư dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại hoặc 20% tổng diện tích sàn nhà ở để kinh doanh dịch vụ, thương mại; được hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại; ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trước khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH (Nghị định 100). Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, đây là một bước quan trọng nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật liên quan đến việc phát triển, quản lý NƠXH hoạt động hiệu quả. Đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan quản lý địa phương thực hiện, đưa các quy định vào thực tiễn.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, các quy định tại Nghị định 100 là “thấu tình, đạt lý”, phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân có thu nhập trung bình, nộp thuế cho Nhà nước. VARS cũng nhận định, các quy định mới này sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực NƠXH, phần nào giải quyết thực trạng của phân khúc NƠXH như thời gian vừa qua, nhất là tại các tỉnh, thành phố phát triển gắn liền với khu công nghiệp, có lượng lao động nhập cư lớn, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội toàn diện của đất nước.
Từ 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. Ảnh: SONG ANH |
Tăng tính tiếp cận cho doanh nghiệp và người dân
Liên quan đến tiến trình phát triển NƠXH trong năm 2024 và việc giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, đến nay mới có 34/63 tỉnh, thành phố có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng (bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án).
Ông Bùi Xuân Dũng cho hay, đã triển khai Chương trình gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2%.
Tuy nhiên, để gói tín dụng này được giải ngân đúng tiến độ, đúng đối tượng, góp phần thúc đẩy, phát triển Đề án 1 triệu căn NƠXH vào năm 2030, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay từ 3-5% đối với khách hàng mua (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%). Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của NHNN để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
“Đề nghị NHNN chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng và nới tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn nhà ở lãi suất cho vay, nguồn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay là 10-15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp”, ông Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng NƠXH bảo đảm chất lượng, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu đối với các dự án nhà ở thương mại, khuyến khích NƠXH theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững; căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, có cơ chế, giải pháp cụ thể rút ngắn thủ tục hành chính để lập và phê duyệt dự án giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục bố trí xây dựng, hỗ trợ khuyến khích cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án tạo nguồn lực, nguồn cung của thị trường và tận dụng được nguồn ưu đãi phát triển NƠXH.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển NƠXH, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” hồi giữa tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo NHNN phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3-5% so với vay thương mại thông thường; chủ trì, phối hợp các bộ nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án NƠXH đơn giản, thuận lợi hơn.
THÙY LINH
Đọc bài gốc tại đây.