Thói đạo đức giả và bộ mặt thật của chủ nghĩa cá nhân – Bài 2: Diệt trừ thói đạo đức giả là diệt trừ chủ nghĩa cá nhân (Tiếp theo và hết)
Chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thói đạo đức giả, tích cực rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chí công vô tư, thực hiện tốt bổn phận, nâng cao lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất, danh dự, sống có trách nhiệm với cơ quan, địa phương, đất nước, đảng viên và cán bộ mới làm tròn trách nhiệm, lời hứa thiêng liêng trước cờ Đảng, trước nhân dân.
Thông qua việc làm cụ thể, nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tự mỗi cá nhân, chi bộ nêu gương sáng về lối sống, lý tưởng, đạo đức cách mạng, phụng sự nhân dân.
Tại sao những kẻ đạo đức giả khó bị vạch mặt?
Thời gian gần đây, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về đạo đức thì sự giả tạo của những con mọt này càng tinh vi. Thói đạo đức giả ngày càng lên ngôi để đối phó với cấp trên, cấp dưới và dư luận xã hội; lẩn trốn sự kiểm tra, giám sát của tập thể, của cơ quan chức năng; các tổ chức, quần chúng nhân dân…
Tại sao thói đạo đức giả, những kẻ đạo đức giả chưa bị vạch mặt? Có thể khẳng định, ở nhiều cơ quan, những kẻ đạo đức giả nói chung là không thể giấu được. Nhiều người dù biết nhưng không đấu tranh, hoặc không dám đấu tranh với thói đạo đức giả, thậm chí còn dung túng cho nó. Bởi, về cơ bản, những kẻ đạo đức giả ấy nằm trong nhóm những người có ảnh hưởng, có chức quyền với nhóm người còn lại trong cơ quan, địa phương. Vì thế, những người không có quyền lực nảy sinh tâm lý e ngại, thờ ơ, ngại va chạm, hoặc sợ va chạm. Chính sự yếu đuối, không mạnh dạn của không ít quần chúng đã tạo môi trường, mảnh đất sống cho thói đạo đức giả của một số cán bộ có chức quyền ngày càng phát triển.
Làm thế nào để diệt trừ những kẻ đạo đức giả trong tổ chức?
Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến thói đạo đức giả trong một số cán bộ, đảng viên hiện nay chính là chủ nghĩa cá nhân. Muốn tiêu diệt tận gốc thói đạo đức giả, nhất định phải đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân. Chỉ có như vậy mới có thể chống thói đạo đức giả từ gốc. Đây cũng là cách ngăn trừ hậu quả, chặn bọn mối mọt đục ruỗng từ bên trong.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản và sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Để che đậy hành vi này, những người “có ít nhiều quyền hành trong bộ máy chính trị” thường phải mang bộ mặt đạo đức giả để tiếp tục luồn lách mà trục lợi. Những người này, ban đầu có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, có động cơ, tuy nhiên, khi trong tay có chút quyền lực thì họ đã không thể ngăn được lòng tham, vì thế, tìm mọi cách mà vơ vét, làm lợi cho mình và gia đình. Lòng tham và dục vọng quá lớn khiến họ đánh mất mình. Họ đi vào suy thoái đạo đức, lối sống, lừa gạt tổ chức, cá nhân, tìm mọi cách tham ô, tham nhũng, thỏa mãn dục vọng thấp hèn, quên đi lý tưởng cao quý, những bài học về đạo đức cách mạng, quên đi bổn phận công bộc cho nhân dân, quên đi lời hứa trước Đảng, trước nhân dân, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, quên đi biết bao người đang phấn đấu, lao động, chiến đấu, sản xuất để đất nước có được vị thế, tiềm lực như ngày hôm nay.
Cái gốc của người cán bộ cách mạng chính là đạo đức cách mạng
Ngày nay, không ít cán bộ rời xa những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Quên đi cái gốc của người cán bộ cách mạng chính là đạo đức cách mạng. Quên đi lời dạy của Bác rằng, đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, mà do bền bỉ tu dưỡng, rèn luyện mà thành. Họ đã quên đi sự rèn luyện mỗi ngày, quên đi những đức tính tốt đẹp cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…, chỉ lo vinh thân phì gia, vơ cho đầy túi, xây cho nhiều nhà, sống xa hoa, rời xa quần chúng nhân dân. Nguy hiểm nhất, có một số cán bộ khi có chức vụ, quyền lực, được quản lý cơ quan, địa phương ở nhiều cấp khác nhau thì bắt đầu dùng thói đạo đức giả, những lời lẽ hoa mỹ, những kiến thức trống rỗng, những câu chuyện phi thực tế để che đậy mưu đồ bất chính, gây dựng ê-kíp làm ăn phi pháp, ăn chặn, tham nhũng, nhận hối lộ, đề bạt bổ nhiệm sai người, sai vị trí… dẫn tới việc những con số được thống kê từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật, suy thoái cứ ngày một dày lên.
Có thể khẳng định, ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị vẫn còn không ít người giữ thói đạo đức giả. Đó là những hành vi dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài để che đậy bản chất cơ hội bên trong, lạm quyền, đánh lừa cá nhân, tập thể, lộng quyền, tiếp tay cho các việc làm sai trái nhằm mưu lợi riêng, đây là điều hết sức nguy hại. Thắng lợi của công cuộc đổi mới không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, thói hư tật xấu của đảng viên, cán bộ. Chống thói đạo đức giả đã trở thành vấn đề bức thiết trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực tế cho thấy, ở thời nào cũng vậy, nếu cán bộ, đảng viên luôn nêu gương, tận tâm, tận lực thực thi công vụ, nói cho dân nghe, làm cho dân hiểu, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì sẽ để lại tiếng thơm muôn đời và ngược lại. Chỉ có quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thói đạo đức giả, tích cực rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chí công vô tư, thực hiện tốt bổn phận, nâng cao lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất, danh dự, sống có trách nhiệm với cơ quan, địa phương, đất nước, đảng viên và cán bộ mới làm tròn trách nhiệm, lời hứa thiêng liêng trước cờ Đảng, trước nhân dân.
Nói tới phẩm chất người cán bộ, tinh thần phụng sự cách mạng, nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới những phẩm chất cốt lõi của người cán bộ, như: Phải tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận hiếu với nhân dân; hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào, yêu thương con người; cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư; thật sự là công bộc của nhân dân; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội…
Trước những thách thức, yêu cầu của tình hình và điều kiện phát triển mới của đất nước, Đảng ta ngày càng chú trọng bảo đảm và phát huy sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TW là cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với quy định kịp thời này, Đảng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ là toàn Đảng cùng chấp hành nghiêm những tiêu chuẩn đạo đức ở mức rất cao, rất cụ thể với cán bộ, đảng viên. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá, xử lý đảng viên vi phạm, kém rèn luyện, tha hóa, biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Những bài học Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta về công tác cán bộ chưa bao giờ cũ. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đồng thời, phải tự thấy day dứt, hổ thẹn với những nhận thức lệch lạc và việc làm chưa đúng của mình. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm giá, duy trì lối sống trong sạch, lành mạnh, văn minh, nâng cao “sức đề kháng” trước những cám dỗ vật chất, tiền bạc, danh vọng, tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, tham nhũng.
Ngày nay, đối với các cơ quan, tổ chức đoàn thể, trước thực tế tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống có chiều hướng phức tạp, cần nghiêm túc nhìn nhận sự yếu kém, hạn chế; các quy chế, quy định chưa được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát còn buông lỏng, thiếu thường xuyên. Vì vậy, tới đây, các tiêu chí về rèn luyện cán bộ cần cụ thể và chặt chẽ hơn nữa; siết chặt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; xây dựng các quy chế cần khoa học làm căn cứ để đánh giá đạo đức của cán bộ, đảng viên một cách khách quan, thực chất, toàn diện và nhân văn; khuyến khích quần chúng nhân dân mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm; bóc trần thói đạo đức giả của cán bộ, đảng viên kém tu dưỡng, rèn luyện.
NGUYỄN HÒA
Thói đạo đức giả và bộ mặt thật của chủ nghĩa cá nhân – Bài 2 (qdnd.vn)