Thực hư quy định chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ đang có thai, sinh con với ai từ 01/7/2024.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24/4/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau:

– “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

– “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;

+ Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;

+ Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

– Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP.

– Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

– Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

– Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:

+ Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

+ Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo quy định được hướng dẫn ở trên thì có thể thấy đáng chú ý là trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

Tuy nhiên, quy định này không phải là quy định mới, mặc dù Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Sau đây là các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình đã có quy định về vấn đề nói trên:

– Luật Hôn nhân và gia đình 1959 (hết hiệu lực) quy định tại Điều 27:

“Trong trường hợp người vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh đẻ được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ.”

– Luật Hôn nhân và gia đình 1986 (hết hiệu lực) quy định tại Điều 41:

“Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ.”

– Luật Hôn nhân và gia đình 2000 (hết hiệu lực) quy định tại khoản 2 Điều 85:

“Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.”

– Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP (còn hiệu lực) hướng dẫn Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 (hết hiệu lực) như sau:

“6. Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn (Điều 85)

Theo quy định tại Điều 85 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Luật chỉ quy định “vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”; do đó, khi người vợ đang thuộc một trong các trường hợp này (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai), mà người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì giải quyết như sau:

a. Trong trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Toà án áp dụng điểm 1 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trả lại đơn kiện cho người nộp đơn.

b. Trong trường hợp đã thụ lý vụ án thì Toà án cần giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn. Nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án áp dụng điểm 2 Điều 46 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người nộp đơn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ.”

– Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tại khoản 3 Điều 51:

“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Như vậy, có thể thấy thì tại Luật Hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ đều có không có quy định về việc phân biệt vợ đang mang thai con của ai (tức không phân biệt cha của đứa bé là ai) và nội dung này được thể hiện một cách rõ ràng tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP

Do đó, các quy định được hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP không phải là quy định mới và việc có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 là ngày có hiệu lực của văn bản, chứ không phải là từ ngày 01/7/2024 thì chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai còn trước đó thì được.

4.5 6 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
9 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
9
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x