Từ mùa thu cách mạng đến Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945 (phần 6)
Từ mùa thu cách mạng đến Tuyên ngôn độc lập 02/9/1945 (phần 6). Diễn đàn xin trân trọng giới thiệu bài viết của nữ tác giả Cô Cô
Diễn đàn xin trân trọng giới thiệu bài viết của nữ tác giả Cô Cô
Đêm 28/8/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh khởi thảo Tuyên ngôn độc lập tại nhà số 48 Hàng Ngang.
Cho đến ngày 30-8-1945, bản Tuyên ngôn Độc lập được dự thảo xong. Bác đưa ra tranh thủ ý kiến các đồng chí Trung ương.
Ngày 31-8, Người quyết định bổ sung thêm một số điểm vào bản Tuyên ngôn, hoàn chỉnh bản khai sinh của nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh dự thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới vào ngày 2-9-1945, tại Hà Nội.
Chiếc máy chữ Hồ Chủ tịch dùng để đánh máy bản Tuyên ngôn Độc lập.
Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ với câu trích Bác đã trích dẫn để mở đầu Tuyên ngôn độc lập.
“We hold these Truths to be self–evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the Pursuit of Happiness”
“Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được Sống, quyền Tự do và quyền Mưu cầu hạnh phúc”.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng được Bác trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập.
“Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits.”
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Công tác chuẩn bị cho ngày 02/9/1945
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công là chọn nơi tổ chức mít tinh mừng Ngày Việt Nam độc lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt nhân dân. Ngày 26-8-1945, tại nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường vụ Trung ương Đảng, bàn bạc thống nhất quyết định tổ chức mít tinh ở Hà Nội vào ngày 02-9-1945 để chính thức công bố quyền độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân.
Ngày 28-8-1945, Ban Tổ chức ngày Lễ Độc lập được thành lập, có nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt công tác tổ chức với một mệnh lệnh: “Đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng Tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.
Qua kiểm tra, nắm tình hình và phân tích, đánh giá các địa điểm để tổ chức sự kiện trọng đại Lễ Độc lập, cho thấy: Khu Quần Ngựa, hoặc Đông Dương học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) không phù hợp, do quá xa trung tâm Hà Nội hồi đó. Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố thì quá chật chội. Sau khi cân nhắc kỹ, Trung ương chọn Vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình), cho dù địa điểm đó gần Phủ Toàn quyền, Thành Hà Nội, những nơi còn khá nhiều lực lượng thù địch đóng giữ, nhưng chúng đang hoang mang, rệu rã.
Thời Pháp thuộc, khu vực này được các kiến trúc sư Pháp quy hoạch để xây dựng trung tâm hành chính của Liên bang Đông Dương. Pháp đã cho xây một vườn hoa nhỏ, tạo thành một quảng trường rộng lớn được đặt tên là Vườn hoa Puginier (Le parc Puginier).
Toàn cảnh Vườn hoa Puginier. Khu vực này còn được người dân Hà Nội gọi là quảng trường Tròn do có một vòng xoay lớn ở trung tâm, tên chính thức là Vòng xoay Puginier. Đây cũng chính là nơi thiết lập lễ đài ngày 02/9/1945.
Các công trình chính ở khu vực Vườn hoa Puginier: Tòa nhà ở giữa là cổng Vườn Bách Thảo (vị trí phía trước Lăng Bác ngày nay), tòa nhà bên phải là Phủ Toàn quyền Đông Dương, nay là Phủ Chủ tịch.
Tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức ngày Lễ Độc lập có nhiều lực lượng, trong đó có bộ phận bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ngày lễ, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Các lực lượng được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Lễ Độc lập, gồm các đơn vị thuộc Khu Đặc biệt Hà Nội (hai Chi đội Giải phóng quân 3 và 4), Tự vệ chiến đấu, Tự vệ Thành Hà Nội, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ. Từ những ngày cuối tháng 8 và ngày 1-9-1945, các đơn vị lực lượng vũ trang được giao nhiệm vụ tham gia và bảo vệ Lễ Độc lập khẩn trương luyện tập các nghi thức quân sự, trang phục thống nhất theo từng chức trách được phân công. Đồng thời, các bộ phận chuyên môn kiểm tra địa bàn, chủ yếu phát hiện vật liệu nổ và tổ chức bảo vệ toàn bộ khu vực sẽ diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Lực lượng vũ trang bảo vệ quần chúng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm1945 tại Hà Nội – Nghệ sĩ nghiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Ông Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị Giải phóng quân tại Hà Nội (tháng 8/1945) – Nghệ sĩ nghiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Đoàn chiến sĩ Giải phóng quân trên quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 31/8/1945 – Nghệ sĩ nghiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản
Mẩu chuyện về Bác Hồ do đồng chí Vũ Kỳ kể lại
Chiều 31, Bác gọi tôi lại và bảo: “Chú Cần, chú có biết cái chỗ họp mít-tinh hôm mùng 2-9 này không?” (Lúc đó tôi tên là Nguyễn Cần. Tên Kỳ bây giờ như mọi người thường gọi đó là tên của Bác đã đặt cho tôi hồi tháng 3-1947).
Tôi nói: “Thưa Cụ, cháu có biết”. Bác lại bảo tôi: “Thế chú vẽ phác đi cho tôi xem”.
Thế là tôi vẽ. Vẽ xong, Bác nhìn tấm bản đồ hỏi tiếp: “Chỗ này liệu đứng được bao nhiêu người?”. “Dạ thưa Cụ, chỗ này cũng phải vài chục vạn”- tôi trả lời Bác.
Tưởng như Bác đã hài lòng về tấm bản đồ ấy, nhưng mọi người biết không, có một điều rất “nhỏ” mà tôi không ngờ Bác vẫn để ý, Bác hỏi tôi thế này: “Này, thế các chú định bố trí chỗ vệ sinh cho đồng bào ở đâu?”
Sau câu hỏi ấy, tôi cứ sững sờ và không biết trả lời thế nào, đành thưa với Bác: “Thưa Cụ, cháu không rõ, để cháu hỏi Ban tổ chức”.
Lúc ấy, Bác bảo tôi: “Chỗ vệ sinh cho đồng bào bố trí như thế nào cho tốt chỉ là một việc nhỏ thôi. Nhưng mà nếu không bố trí tốt, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe, lại ảnh hưởng đến cả trật tự”. Bác cũng dặn tôi thêm: “Chú hãy dặn Ban tổ chức trước đi, nếu trời mưa thì phải rút ngắn thời gian lại để đồng bào khỏi bị ướt, nhất là các cụ, các cháu nhỏ tránh được bệnh tật”. Chính những việc nhỏ như vậy đã khiến tôi còn suy nghĩ và nhớ mãi: Bác luôn luôn chăm lo sức khỏe cho đồng bào.
Ông Vũ Kỳ và Bác Hồ trong ảnh chụp vào tháng 9-1960.
Tác giả Cô Cô , độc giả có thể theo dõi chi tiết tại https://otonet.fun/forums/tan-gau-ve-van-hoa-lich-su/tu-mua-thu-cach-mang-den-tuyen-ngon-doc-lap-02-9-1945/