Quan chế Việt Nam thời phong kiến

Nước Việt Nam, từ thời đại Hùng vương, đã đặt ra các quan trưởng để trông coi và chia nhau giữ gìn chính sự và phong hoá.

Quan chế Việt Nam thời phong kiến

Quan chế Việt Nam thời phong kiến

Quan chế Việt Nam thời phong kiến. Nước Việt, từ xa xưa, dưới thời đại Hùng vương, nhà nước tiền phong kiến đã đặt ra các quan trưởng để trông coi và chia nhau giữ gìn chính sự và phong hoá. Lúc này, theo sử sách ghi chép, chỉ biết chia làm hai ban: ban văn và ban võ. Người phụ trách ban văn là Lạc hầu; người phụ trách ban võ là Lạc tướng. Còn các chức ty, các cơ quan chuyên môn, guồng máy tổ chức như thế nào thì hiện chưa rõ.

“Đến đời Tiền Lý, Tiền Ngô, cũng đều đặt quan chia chức (Tiền Lý Nam đế lên ngôi, đặt ra các quan chức, Tiền Ngô vương dựng nước cũng đặt các quan chức), nhưng đời đã cách xa, sách vở thiếu sót, sơ lược không thể biết được. Từ nhà Đinh về sau cho đến Lý, Trần, tên các quan đặt ra mới biết được đại khái. Đến đời [Hậu] Lê, quy chế dựng đặt mới rõ ràng.” (Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú)

Phân biệt tước hiệu và phẩm hàm.

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, để phân biệt địa vị, chức vụ giữa các quan với nhau, vua thường ban cho các quí tộc và quan lại các tước vị. Chế độ tước vị này rất phức tạp với nhiều tước hiệu, thang bậc khác nhau. Chung qui lại có 2 loại chính là tước và phẩm.

Tước hiệu là tôn hiệu của vua ban cho người trong hoàng tộc hay những người có công với đất nước, với triều đình.

Phong tước là hình thức ban tặng danh hiệu cho tầng lớp quý tộc trong chế độ phong kiến, đi kèm với nó là việc ban tặng đất đai, tạo nên các giai cấp địa chủ và nông dân. Do đó, khái niệm về chế độ phong kiến cũng xuất phát từ đó (phong tước + kiến địa).

Tước hiệu có 2 loại: có phong địa (tức kèm theo ban tặng đất đai) và không phong địa. Cách thức đặt tên tước là lấy tên đất được phong đặt trước tên tước. Ví dụ Hải Lăng Vương: Hải Lăng là tên đất (tên một huyện), Vương là tên tước. Kiến Xương Vương: Kiến Xương là tên một phủ, Vương là tên tước. Trường hợp không phong địa thì đặt một mỹ tự được phong (từ có nghĩa đẹp) trước tên tước. Ví dụ Hưng Đạo Vương: Hưng Đạo là mỹ tự, Vương là tên tước. Khai Quốc công: Khai là mỹ tự, Quốc công là tên tước; Minh Quận công, Minh là mỹ tự, Quận công là tên tước.

Các bậc tước hiệu

Tước gồm chủ yếu các bậc sau (từ cao đến thấp): Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.

– Tước Vương: Trong lịch sử Việt Nam, lúc đầu Vương là xưng hiệu của Thiên tử, người đứng đầu quốc gia, như Hùng Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Triệu Việt Vương, Ngô Vương,…

Khi thế nước mạnh, các Thiên tử Việt Nam xưng Hoàng đế để tỏ ra ngang hàng với Hoàng đế Trung Hoa. Tuy nhiên trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, để tránh xung đột không cần thiết. Các Hoàng đế Việt Nam thường áp dụng chính sách “Nội xưng Đế, ngoại xưng Vương”. Tiếp nhận và sử dụng danh hiệu An Nam Quốc vương do Trung Quốc phong để quan hệ ngoại giao với họ.

Vương thành tước vị do Hoàng đế phong tặng cho Hoàng tử, cho các quí tộc cao cấp, hoặc cho những người có công lao to lớn đối với triều đình, chủ yếu là những công thần khai quốc và những trường hợp đặc biệt khác.

– Tước Công cũng là một tước vị đứng hàng đầu trong hệ thống tước vị. Tước Công có hai cấp cao thấp là: Quốc công và Quận công. Tước Công rất ít khi phong tặng cho người ngoài hoàng tộc. Nếu có chỉ phong cho người có công trạng đặc biệt to lớn.

– Thứ tự tiếp theo là các tước vị: Hầu, Bá, Tử, Nam, phong tặng cho các hoàng thân, quý tộc và triều thần, tùy theo quan hệ trong Hoàng tộc và công trạng của mỗi người đối với Quốc gia, triều đình.

Phẩm hàm

Phẩm hay còn gọi là phẩm hàm thường được dùng để ban tước vị cho các quan lại.

Quan lại trong triều đình chia làm hai (2) ban văn võ được gọi là Văn giai, Võ giai. Mỗi ban văn võ có chín (9) bậc phẩm.  Văn giai có chín (9) phẩm, Võ giai có chín (9) phẩm.

Chín (9) phẩm với Cửu phẩm là phẩm hạng thấp nhất và Nhất phẩm là phẩm hạng cao nhất (ngoại trừ trong quan chế Gia Long, còn có bậc phẩm cao hơn Nhất phẩm). Đường quan là 5 phẩm trên từ nhất phẩm đến ngũ phẩm; thuộc quan là quan cấp dưới từ lục phẩm đến cửu phẩm.

Mỗi bậc phẩm lại được chia nhỏ làm 2 trật khác nhau là Chánh (Chính) và Tòng (Tùng). Trật Chánh cao hơn trật Tòng. Vì mỗi phẩm có 2 trật (Chánh và Tòng). Nên mỗi ban Văn võ có mười tám (18) trật khác nhau trong chín (9) phẩm.  Văn giai có chín (9) phẩm mười tám (18) trật, Võ giai có chín (9) phẩm mười tám (18) trật.

Quan lại đứng đầu triều đình thuộc hàm Nhất phẩm. Đứng đầu các Bộ (Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Sau này có thêm bộ Học) là quan Thượng thư (hàm Nhị phẩm).

Cửu phẩm là tước vị thấp nhất, thường được dùng để ban cho quan lại. Bao gồm cả ở triều đình và các địa phương, làng xã.

Quan thường được ban phẩm, nhưng cũng có một số quan không được ban phẩm. Ngược lại một số người không phải là quan nhưng có công đức cao vẫn được vua ban phẩm.

(Còn tiếp)

Cô Cô tổng hợp từ https://www.facebook.com/groups/otonet.fun/

4.7 32 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
7 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
7
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x